UNG THƯ VÚ – PHỤ NỮ NÊN BIẾT ĐỂ PHÒNG TRÁNH

Cùng bác sĩ Trần Nguyên Hà – Trưởng khoa Nội 4 Bênh viện Ung Bướu TP.HCM giải đáp thắc mắc về bệnh Ung thư vú.

Cứ 19 giây lại có một người được chẩn đoán mắc ung thư vú. Căn bệnh này không loại trừ bất kỳ độ tuổi, đối tượng hay giới tính nào. Những tuyên truyền kêu gọi về tầm nhận thức, phát hiện sớm và phòng chống ung thư vú đang thường xuyên được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nhưng với tâm lý “Ung thư chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi”, môt số người trẻ vẫn dửng dưng trong khi số liệu về ung thư vú có khuynh hướng trẻ hóa đang tăng lên mỗi ngày đến mức báo động.

 

Theo Bác sĩ Trần Nguyên Hà, những dấu hiệu ban đầu của bệnh Ung thư vú thường là một hạt cứng trong ngực, không đau. Có một số thay đổi mà bạn cần chú ý khi khám vú. Các thay đổi dưới đây đôi khi gợi ý ung thư vú:

− Thay đổi kích thước, tuyến vú có thể lớn hơn hay nhỏ đi đáng kể.
− Thay đổi núm vú, nếu núm vú thụt vào trong hoặc thay đổi vị trí và hình dạng.
− Nổi mẩn trên hoặc xung quanh núm vú.
− Tiết dịch một hoặc cả hai núm vú.
− Lõm hoặc dính da xung quanh núm vú hoặc hiện tượng “da cam” (da giống vỏ trái cam)
− Xuất hiện hạch nách hoặc hạch trên và dưới xương đòn.
− Bướu hoặc chỗ dày lên, có một chỗ trong tuyến vú cảm thấy khác so với phần còn lại của tuyến vú.

Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên thường xuyên tầm soát ung thư vú, đặc biệt là những ai trong gia đình có tiền sử mắc bệnh. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn đầu. Lúc này các tế bào ung thư vú còn có kích thước nhỏ, chưa lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh, sống lạc quan, tư duy tích cực… sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh từ 30-35%. Vì vậy, việc thường xuyên quan sát, kiểm tra vùng ngực và tầm soát định kỳ vẫn là phương pháp hữu hiệu giúp chị em phụ nữ kiểm soát được bệnh Ung thư vú.

 

*Nguồn: ElleVietNam